Truy cập nội dung luôn
SỞ NGOẠI VỤ

TỈNH QUẢNG NGÃI

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018

05/08/2020 16:42    235

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 20/11/2018. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019 và thay thế Luật PCTN năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13). Luật PCTN năm 2018 bao gồm 10 chương với 96 điều với một số nội dung cơ bản sau:

1. Những quy định chung (Chương I)

a) Về phạm vi điều chỉnh

Đây là nội dung quan trọng, cơ bản nhất của Luật PCTN năm 2018. Điều 1 Luật quy định ngắn gọn và khái quát: “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Như vậy so với Luật PCTN 2005, Luật PCTN năm 2018 đã thay cụm từ “xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ “xử lý tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN. Chương VII của Luật đã quy định việc áp dụng Luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Quy định này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với khu vực ngoài nhà nước cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị, quy định của Bộ luật Hình sự và yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

b) Về các hành vi tham nhũng

Hành vi tham nhũng cũng như chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước là khác nhau. Luật PCTN năm 2018 đã quy định riêng về các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Hành vi tham nhũng là hành vi do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước bao gồm 12 hành vi (giống với quy định của Luật PCTN năm 2005); hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước gồm các hành vi: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức vì vụ lợi.

c) Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN

Bên cạnh quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật PCTN năm 2018 đã bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN.

Khoản 2 Điều 4 Luật đã quy định doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.

d) Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN

So với Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 bổ sung quy định về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN tại khoản 2 Điều 6: “Cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật”.

đ) Các hành vi bị nghiêm cấm

Các hành vi bị nghiêm cấm quy định trong Luật PCTN năm 2018 gồm: (1) Các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật PCTN năm 2018; (2) Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; (3) Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác; (4) Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN quy định tại Mục 2 Chương IX Luật PCTN năm 2018 về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN.

2. Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Chương II)

Đây là quy định được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước.

a) Về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (Mục 1)

Khác với Luật PCTN năm 2005, Luật năm 2018 không quy định công khai, minh bạch trong các lĩnh vực cụ thể mà chỉ quy định nguyên tắc về nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc quy định theo hướng bao quát như vậy để tránh trùng lặp với các luật chuyên ngành. Theo đó, Luật PCTN năm 2018 tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc công khai, nội dung công khai, hình thức công khai và đặc biệt xác định rõ trách nhiệm công khai thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, chế độ họp báo, phát ngôn, quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và gắn với việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi có yêu cầu; quy định cụ thể hơn về việc báo cáo, công khai báo cáo về công tác PCTN, trong đó bổ sung trách nhiệm báo cáo của UBND các cấp; bổ sung nội dung báo cáo về PCTN và quy định phải công khai báo cáo về công tác PCTN trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước hoặc phương tiện thông tin đại chúng, về tiêu chí đánh giá công tác PCTN.

b) Về xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ (Mục 2)

Kế thừa Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 chỉ quy định mang tính nguyên tắc trong việc ban hành và thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ để không dẫn đến chồng chéo với quy định của pháp luật chuyên ngành.

c) Về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn (Mục 3)

Trên cơ sở kế thừa tinh thần của Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc tặng quà và nhận quà tặng với một số chỉnh lý so với Luật PCTN năm 2005; bổ sung quy định về kiểm soát xung đột lợi ích tại Điều 23 Luật PCTN năm 2018 nhằm loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra hành vi tham nhũng.

d) Về chuyển đổi vị trí công tác của của người có chức vụ, quyền hạn (Mục 4)

Kế thừa quy định của Luật PCTN năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Luật tiếp tục quy định nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác, vị trí công tác và thời hạn phải định kì chuyển đổi, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật quy định cụ thể việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi.

đ) Về cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt (Mục 5)

So với Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 quy định chi tiết hơn các nội dung về cải cách hành chính; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó, quy định thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những biện pháp hiệu quả để kiểm soát thu nhập, chi tiêu, góp phần tích cực phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu, chi có giá trị lớn tại địa bàn đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ; các khoản chi lương, thưởng và chi khác có tính chất thường xuyên. Luật quy định Chính phủ áp dụng biện pháp tài chính, công nghệ để giảm việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch.

e) Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Mục 6)

Đây là nội dung mới so với Luật PCTN năm 2005 nhằm hướng tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Luật quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay; mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm giữ chức vụ, chức danh quản lý để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu tài sản, thu nhập, qua đó theo dõi, xác minh tài sản, thu nhập phục vụ cho công tác PCTN; đồng thời, đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hằng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.

Luật cũng đã bổ sung căn cứ xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập; trình tự xác minh tài sản, thu nhập và xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.

3. Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Chương III)

Kế thừa quy định của Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định về công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; bổ sung quy định kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

a) Công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị (Mục 1)

Kiểm tra và tự kiểm tra là một khâu không thể thiếu trong quản lý nhà nước. Luật PCTN năm 2018 quy định cụ thể như sau:

- Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng; thường xuyên đôn đốc đơn vị trực thuộc kiểm tra người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

- Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Việc kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch và tập trung vào lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng; kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.

b) Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán (Mục 2)

So với quy định của Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 bổ sung trách nhiệm của cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước khi nhận được đề nghị xử lý tham nhũng từ cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; bổ sung thẩm quyền của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; công khai Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

c) Phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng (Mục 3)

So với Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng các hình thức tiếp nhận thông tin về tham nhũng, bao gồm: phản ánh, tố cáo và báo cáo về hành vi tham nhũng. Qua đó, các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, thu thập các thông tin về tham nhũng có thể phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời; đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng.

4. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị (Chương IV)

Luật PCTN năm 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hoá và đề cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, xác đinh rõ nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có hành vi vi phạm (Điều 71); quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do cơ quan mình quản lý, phụ trách (Điều 72).

Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm đề cao trách nhiệm chính trị của cá nhân người đứng đầu, giúp hình thành “văn hóa từ chức” khi để xảy ra vi phạm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bổ sung trường hợp bị tăng nặng trách nhiệm pháp lý để hoàn thiện chế tài xử lý người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

5. PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (Chương VI)

So với Luật PCTN năm 2005, đây là chương mới, nội dung mới của Luật PCTN năm 2018, thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN. Luật quy định trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng; quy định việc áp dụng Luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời, Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

6. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong PCTN (Chương VII)

Luật PCTN năm 2018 kế thừa quy định của Luật PCTN năm 2005; đồng thời bổ sung nội dung Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác PCTN trong phạm vi cả nước, Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về công tác PCTN; bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; quy định chi tiết, cụ thể hơn về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

7. Hợp tác quốc tế về PCTN (Chương VIII)

Nội dung này cơ bản kế thừa quy định của Luật PCTN năm 2005, có bổ sung thêm quy định về hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng và nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

8. Xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN (Chương IX)

So với Luật PCTN năm 2005 chỉ dành 01 điều quy định về nguyên tắc xử lý tham nhũng, Luật PCTN năm 2018 đã dành 01 chương để quy định nội dung này, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN nhằm tăng cường hiệu quả thực thi Luật PCTN và hiệu quả của công tác PCTN, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác và quy định người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.

Đối với xử lý tham nhũng, kế thừa Luật năm 2005, Luật năm 2018 tiếp tục quy định rõ các nguyên tắc về việc xử lý tham nhũng (Điều 92, Điều 93). Đối với xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN, Luật năm 2018 đã bổ sung quy định tại mục 2 Chương IX. Theo đó, Điều 94 đã liệt kê các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN và quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi này. Bên cạnh đó, Điều 95 của Luật quy định xử lý hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Toàn văn Luật PCTN năm 2018: Xem file đính kèm bên dưới.

Kim Hoa (Tổng hợp)

Tài liệu đính kèm: Luật PCTN -36.2018.QH14..pdf

Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Huỳnh Thị Phương Hoa - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 0255. 3712.300 - 3711.098.

Địa chỉ: 39 Phạm Văn Đồng - TP Quảng Ngãi.