Truy cập nội dung luôn
SỞ NGOẠI VỤ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Lao động nữ đối diện với nguy cơ mất việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19

25/08/2021 16:56    82

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, lao động nữ gặp rất nhiều rào cản về việc làm, thu nhập và cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, phụ nữ nghèo, không có việc làm ổn định là đối tượng dễ tổn thương và chịu nhiều tác động nhiều nhất từ dịch bệnh do nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn cũng như khả năng cao là mất sinh kế, thu nhập và có xu hướng gánh vác nhiều hơn những công việc chăm sóc không lương và bị bạo hành gia đình nhiều hơn.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2020, Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập, trong đó, tỷ lệ nữ thất nghiệp là 2,4%, cao hơn so với nam giới (2,14%). Lao động nữ chiếm đa số trong những ngành nghề bị ảnh hưởng do COVID-19 nặng nề nhất, như dệt may, da giày, thủy sản và dịch vụ y tế, ăn uống, bán lẻ, du lịch - dịch vụ và giải trí. Hơn 01 triệu lao động, trong đó đa số là nữ, trong tổng số 4,3 triệu lao động của ngành dệt may, da giày bị mất việc hoàn toàn; số còn lại chỉ làm việc với 50 - 60% công suất và do vậy thu nhập cũng bị giảm 40%. Đối với khu vực dịch vụ, tỷ lệ phụ nữ làm việc ở khu vực này cũng cao hơn nam giới. Theo ILO, có 58,6% phụ nữ làm việc trong ngành dịch vụ trên toàn thế giới, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 45,4%, trong khi đó, dịch vụ lại chịu tác động của đại dịch lớn hơn rất nhiều so với khu vực công nghiệp và nông nghiệp. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh đã làm cho nhiều cơ sở lưu trú phải đóng cửa, ngừng kinh doanh dịch vụ du lịch.Tại Việt Nam, trong năm 2020, ước tính có 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc.

Lao động nữ chiếm đa số trong ngành dệt may và da giày tại Việt Nam

Lao động nữ chiếm đa số trong ngành dệt may và da giày tại Việt Nam

Vừa qua, để kịp thời động viên, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, trong đó có lao động nữ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh trong đó có các chính sách hỗ trợ bổ sung cho đối tượng  lao động nữ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người, đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi.

Tại Quảng Ngãi, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với doanh nghiệp và người lao động, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động nhanh chóng tiếp cận chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh qua đó khắc phục phần nào tình trạng mất việc, ngừng việc cho lao động địa phương. Việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện nay.

Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn còn nhiệm vụ khó khăn cần phải hoàn thành. Đó chính là giải quyết vấn đề việc làm. Dịch bệnh COVID-19 khiến cho vấn đề thất nghiệp của lao động nói chung và lao động nữ nói riêng trở nên nghiêm trọng hơn, do đó đã đặt ra yêu cầu làm thế nào để đảm bảo việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nữ, đồng thời cũng đòi hỏi cần nghiên cứu và thực thi hiệu quả chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sự tham gia và tiếp cận bình đẳng đối với lao động nữ và bảo đảm thực thi quyền của lao động nữ trên thị trường lao động của Việt Nam.

Dạ Thảo

Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Huỳnh Thị Phương Hoa - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 0255. 3712.300 - 3711.098.

Địa chỉ: 39 Phạm Văn Đồng - TP Quảng Ngãi.